Website họ Nguyễn Việt Nam – Nơi mọi người trong họ tộc sum vầy

Chuyện Cao Biền cũng bó tay và nhiều triều đại Việt Nam và cả vua nhà Minh Trung Quốc cũng đem lễ sang tế thần ở Tản Viên (Bài 3)

Chuyện Cao Biền cũng bó tay và nhiều triều đại Việt Nam và cả vua nhà Minh Trung Quốc cũng đem lễ sang tế thần ở Tản Viên (Bài 3)

Nội dung:

1. Chuyện Cao Biền cũng bó tay: Sách Lĩnh Nam chích quái kể rằng, thế kỷ thứ 9 thời Bắc thuộc, Cao Biền – một tướng tài của nhà Đường am hiểu và cực giỏi phong thủy – từng dùng thuật trấn yểm ở chân núi Tản Viên.

Để đạt được mục đích Cao Biền dùng “diệu kế” quen thuộc. Ông ta cho khiêng kiệu đến chân núi để dụ Sơn Tinh ra bằng chiêu thức vẫn sử dụng, tức là dùng cô gái đồng trinh chuẩn bị mâm cỗ để mời thần linh (ở đây là Sơn Tinh nhập xác ăn cỗ), sau đó sẽ chém đầu cô gái cũng là giết chết Sơn Tinh. 

Nhưng lần này, Sơn Tinh lợi hại ở chỗ đã hóa thân thành mây ngũ sắc chuẩn bị nhập vào cô gái lại bay lên. Nhìn lên trên cao, Cao Biền thấy rõ Sơn Tinh vén mây ra và nhổ một bãi nước bọt xuống mâm cỗ. 

Mưu kế bất thành Cao Biền chỉ còn biết than: “Chỗ này thần linh rất thiêng, ta không trừ được, tất có ngày ta phải cuốn gói về nước thôi”. Cao Biền không biết Tản Viên chính là điểm khởi phát của trục Long Mạch thần đạo.

Một truyền thuyết khác cho rằng, vua nhà Đường (Trung Quốc) thấy núi Ba Vì như là một đầu rồng hùng mạnh, có thân rồng chạy suốt tới phương Nam (tức dãy Trường Sơn ngày nay). Để nước Nam không thể phát vương, vua Đường đã cử Cao Biền, một vị tướng kiêm phù thủy, dùng pháp thuật để trấn yểm, cho đào một trăm cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì hòng triệt phá long mạch nước Việt. Tuy nhiên, tất cả một trăm cái giếng, cứ giếng nào đào gần xong thì lại bị sập xuống, lấp kín yếu huyệt của trời đất. Cuối cùng, vua quan triều Đường đành phải bỏ cuộc bởi dãy núi thiêng cùa nước Việt phía trời Nam.

Theo sách Ai giao châu tự của Đường Tăng thì Đại Vương núi này là Sơn Tinh họ Nguyễn, vô cùng linh ứng. Khi hạn hán, lúc lụt lội cầu đảo để phòng tai trừ hoạn lập tức có ứng nghiệm. Kẻ thờ cúng hết lòng thành kính. Thường thường, vào những ngày quang đãng như có bóng cờ xí thấp thoáng trong hang núi. Dân trong vùng nói rằng đó là Sơn thần hiển hiện. Khi Cao Biền nhà Đường ở An Nam muốn yểm những nơi linh tích bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc áo quần vào rồi đặt ngồi trên ngai tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém đầu. Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật đó. Biền đem thuật đó để tiến đại vương núi Tản Viên, thấy Vương cưỡi ngựa trắng ở trên mây nhổ nước bọt vào mà bỏ đi. Biền than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Cái vượng khí đời nào hết được!” Sự linh ứng đã hiển hiện ra như vậy đó.

Trong quan niệm tâm linh của phương Đông thì “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” (nghĩa là núi không phải chỉ do cao, cứ có thần (tiên) là núi thiêng). Từ quan niệm đó có thể dễ dàng cắt nghĩa vì sao Tản Viên thấp hơn núi Tam Đảo nhưng dân gian lại nói “Nhất cao là núi Tản Viên/Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. 

Vì thiêng nên sức lan tỏa của Tản Viên Sơn Thánh rất rộng lớn. Bởi thế dân gian mới xếp Thánh Tản đứng đầu trong bốn vị thánh bất tử ở Việt Nam gồm: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Từ và Mẫu Liễu Hạnh.

2. Nhiều triều đại Việt Nam và cả vua nhà Minh Trung Quốc cũng đem lễ sang tế thần ở Tản Viên

Không biết Tản Viên Sơn Thánh lưu truyền trong tâm thức dân Việt từ bao giờ nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư có thông tin về núi Tản: “Vào năm 1073 trời mưa lớn liên tục, vì vậy hoàng đế Lý Nhân Tông đã cho rước tượng Phật từ chùa Pháp Vân về kinh đô để cầu mưa tạnh. Hoàng đế cũng cho cúng thần núi Tản Viên”.

Năm 1449, hạn hán diễn ra nhiều nơi, mất mùa dân đói kém nên vua Lê Nhân Tông đã sai Tham tri Bùi Cầm Hổ, Lễ bộ lang trung Nguyễn Cảnh đi cầu dảo ở núi Tản Viên. 

Khi núi Tản Viên bị lở, vua Lê Kinh Tông cho chép vào Đại Việt sử ký toàn thư. Điều đó cho thấy Tản Viên vùng núi địa linh mang tầm quốc gia. 

Thậm chí khi con trai của Lê Quý Đôn là Quý Kiệt dự kỳ thi năm 1775, ngoài nhờ Đình Trung làm bài hộ, Lê Quý Đôn còn “táng trộm mả tổ ở cấm địa tại sơn phận Tản Viên”. 

Triều Nguyễn, đời vua Minh Mạng sai đúc Cửu Đình làm biểu tượng cho uy thế và sự bền vững của vương triều đã cho khắc hình núi Tản Viên vào Thuần Đỉnh (cao 2,32m, nặng 1.950 kg) cùng với cửa Cần Giờ (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) và sông Thạch Hãn (nay thuộc tỉnh Quảng Trị). Năm 1850 Tản Viên Sơn Thánh còn được vua Tự Đức lưu vào điển lễ tế tự của quốc gia.

Núi Tản Viên không chỉ thiêng ở nước Việt mà tiếng tăm còn bay sang cả phương Bắc, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Canh Tuất, Thiện Khánh năm thứ 1 (1370)… Mùa xuân, tháng Giêng vua Minh (Trung Quốc) tự làm bài chúc văn sai Diêm Nguyên Phục, đạo sĩ cung Triều Thiện đem lễ là trâu và lụa đến tế thần núi Tản Viên và thủy thần sông Lô”.

Hà Nội, ngày 29/3/2023

Người sưu tầm: Ts. Nguyễn Văn Kiệm

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Chia sẻ:

Các tin liên quan